Trong các công cụ phục vụ phân tích kỹ thuật, mô hình nến Nhật được xem là một trong ba công cụ chính hiệu quả bên cạnh mô hình giá và các chỉ báo. Mô hình nến Nhật có rất nhiều dạng nến biến hóa khác nhau. Trong một bài viết trước, mình đã trình bày về các mẫu nến đảo chiều thì lần này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn nến Marubozu – một trong số những mô hình nến tiếp diễn. Đây là mẫu nến được đông đảo các trader ưa thích sử dụng nhờ những tín hiệu mạnh mẽ và đáng tin cậy được tạo ra từ mô hình này. Vậy cụ thể, nến Marubozu là gì?. Cách giao dịch với mô hình nến Marubozu hiệu quả? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nến Marubozu là gì?
Nến Marubozu còn được gọi với tên gọi là nến cường lực. Đây là mô hình thể hiện sức mạnh, sự áp đảo của phe mua hoặc bán trong một giao dịch. Trong tiếng Nhật, Marubozu có nghĩa là Trọc. Vậy nên như tên gọi, nến Marubozu không có râu, không bóng mà chỉ có thân nến dài. Tức là cây nến có giá mở cửa và giá đóng cửa. Lúc này, giá mở cửa và giá đóng cửa đã trùng với giá cao nhất hoặc thấp nhất phiên.
Tìm hiểu thêm: CÁC MÔ HÌNH NẾN PHỔ BIẾN TRONG CHỨNG KHOÁN
Nến cường lực thường xuất hiện bất ngờ ở bất cứ thời điểm nào. Nếu không chú ý, trader thường bị bất ngờ. Đặc biệt là khi một xu hướng giao dịch trong phiên giao dịch có xu hướng tăng đột ngột hoặc giảm đột ngột. Lúc này, nến cường lực Marubozu sẽ xuất hiện; và báo hiệu xu hướng tăng hoặc giảm của giao dịch đó hoặc thời điểm xuất hiện một xu hướng mới.
Hiện nay, nến Marubozu xuất hiện rộng rãi ở rất nhiều nơi. Hầu hết các thị trường tài chính có sự tác động của cung – cầu đều có sự xuất hiện của nến Marubozu. Chẳng hạn như thị trường chứng khoán, forex, tiền điện tử, hàng hóa,…
Đặc điểm nhận dạng nến Marubozu là gì?
Việc nhận dạng mô hình nến Marubozu sẽ giúp cho việc giao dịch của các trader thành công hơn. Thế nhưng, để nhìn ra mô hình không hề khó. Dưới đây là các đặc điểm nhận dạng nến Marubozu cơ bản bạn cần ghi nhớ:
- Marubozu là một mẫu nến đơn. Thân nến có độ dài khá lớn, thân nến của nó thường lớn hơn 5 cây nến xuất hiện trước nó.
- Không có râu nến hoặc nếu có thì cũng rất ngắn so với độ dài thân nến.
- Nến Marubozu tăng có giá cao nhất bằng giá đóng cửa, giá thấp nhất sẽ bằng giá mở cửa.
- Nến Marubozu giảm có giá cao nhất bằng giá mở cửa còn giá thấp nhất sẽ bằng giá đóng cửa.
Ý nghĩa của nến Marubozu
Nến Marubozu là nến cường lực, về ý nghĩa thì mô hình nến này thể hiện lực mua (nến xanh) và lực bán (màu đỏ) rất là mạnh.
Điều này cho thấy trong quá trình mua bán và giao dịch các nhà đầu tư không hề có sự do dự.
Khi xuất hiện liên tiếp nhiều nến marubozu cùng màu thì thể hiện xu hướng giá tăng hoặc giảm cực mạnh.
Tham khảo: MÔ HÌNH HAI ĐÁY
Mô hình nến Marubozu cơ bản được chia thành 2 loại: Bullish Marubozu và Bearish Marubozu. Tùy thuộc vào Marubozu là nến tăng (Bullish Marubozu) hay giảm (Bearish Marubozu) mà nó sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Cụ thể như sau:
- Bullish Marubozu
Đây là nến Marubozu tăng. Một cây nến tăng với thân rất dài và không có bóng nến. Nến này chứng tỏ trong suốt phiên giao dịch, phe mua chiếm ưu thế vượt trội.
Mẫu nến Bullish Marubozu cho thấy sự bứt phá của phe mua mà không hề có sự tồn tại của phe bán. Hoặc nếu có thì lực bán rất nhỏ, lực mua đang chiếm ưu thế. Và trong các phiên giao dịch tiếp theo, phe mua vẫn chiếm ưu thế, thị trường có xu hướng đi lên.
- Bearish Marubozu
Đây là nến Marubozu giảm. Bearish Marubozu có thân nến giảm dài và không có bóng nến cho thấy phe bán chiếm ưu thế hoàn toàn trong phiên giao dịch. Và phe mua không tham gia vào thị trường hoặc tham gia với lực mua rất yếu.
Ở phiên giao dịch hình thành Bearish Marubozu, phe bán độc chiếm ưu thế, lực bán mạnh. Và trong các phiên giao dịch tiếp theo, phe bán tiếp tục giữ vững ưu thế, thị trường có xu hướng đi xuống.
Các mô hình nến Marubozu thường gặp
Dưới đây là một số mô hình nến Marubozu thường gặp. Cùng theo dõi nhé!
Nến Marubozu tăng cơ bản
Nến Marubozu tăng có đặc điểm là thân nến dài, không có bóng nến. Giá đóng cửa, giá mở cửa sẽ trùng với mức giá cao nhất và thấp nhất trong phiên giao dịch đó. Đây là mẫu hình nến Marubozu tăng cơ bản thể hiện bên mua đang chiếm ưu thế hoàn toàn. Nên giá sẽ được đẩy lên cao.
Nến Marubozu tăng không có bóng dưới
Nến Marubozu này có thân nến dài, bóng nến trên ngắn và không có bóng nến dưới. Giá mở cửa sẽ bằng với mức giá thấp nhất. Và giá đóng cửa sẽ thấp hơn giá cao nhất.
Mô hình nến này cho thấy ngay khi phiên giao dịch bắt đầu bên mua đã chiếm ưu thế. Thế nhưng, về cuối phiên giao dịch bên bán cố gắng đẩy giá xuống; và tạo một khoảng chênh lệch không đáng kể giữa giá đóng cửa và giá cao nhất.
Nến Marubozu tăng không có bóng trên
Nến Marubozu này có đặc điểm là thân nến dài, không có bóng nến trên và bóng nến dưới ngắn. Giá mở cửa sẽ cao hơn mức giá thấp nhất. Và giá đóng cửa sẽ trùng với mức giá cao nhất.
Mô hình nến này cho thấy ngay khi phiên giao dịch bắt đầu bên bán đã cố gắng đẩy giá xuống. Thế nhưng, vì nhu cầu mua tăng cao nên bên mua đã cố gắng đẩy giá tăng trở lại. Và chiếm ưu thế hoàn toàn, được thể hiện qua thân nến khá dài.
Đọc thêm: MÔ HÌNH VAI ĐẦU VAI
Nến Marubozu giảm cơ bản
Nến Marubozu giảm có các đặc điểm như nến Marubozu tăng. Điều khác biệt nằm ở giá đóng cửa sẽ trùng với mức giá thấp nhất; còn giá mở cửa sẽ bằng với mức giá cao nhất trong phiên giao dịch đó. Đây là loại nến Marubozu giảm cơ bản cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế hoàn toàn nên giá sẽ giảm mạnh.
Nến Marubozu giảm có bóng trên
Nến này có đặc điểm là thân nến dài, bóng nến trên ngắn và không có bóng nến dưới. Giá mở cửa thấp hơn mức giá cao nhất và giá đóng cửa sẽ trùng với mức giá thấp nhất. Ở thời điểm đầu của phiên giao dịch, bên mua đẩy giá cao hơn mức giá mở cửa. Nhưng không duy trì được và giảm ngay sau đó.
Nến Marubozu giảm có bóng dưới
Nến Marubozu này có thân nến dài, không có bóng nến trên và bóng nến dưới ngắn. Giá mở cửa sẽ bằng với mức giá cao nhất và giá đóng cửa sẽ cao hơn mức giá thấp nhất.
Vào thời điểm cuối phiên giao dịch, bên mua cố gắng đẩy giá đi lên dẫn đến giá đóng cửa cao hơn giá thấp nhất. Thế nhưng, lực mua không đáng kể và bên bán vẫn đang chiếm ưu thế.
Nến Marubozu tăng phá vỡ ngưỡng kháng cự
Nếu Marubozu này thường xuất hiện ở ngưỡng kháng cự thể hiện bên mua đang chiếm ưu thế. Giá lúc này được bên mua đẩy lên cao phá vỡ luôn ngưỡng kháng cự đã tồn tại từ trước đó.
Nến Marubozu giảm phá vỡ đường hỗ trợ
Nến Marubozu này thường xuất hiện ở ngưỡng hỗ trợ. Lúc này, giá có thể sẽ giảm mạnh vượt qua vùng hỗ trợ. Điều này chứng tỏ bên bán đang áp đảo hoàn toàn bên mua. Và khiến giá giảm mạnh.
Nến Marubozu xác nhận vùng hỗ trợ
Nếu giá giảm sâu chạm vào vùng hỗ trợ và tăng mạnh ngay sau đó; thì sẽ tạo thành một cây nến Marubozu tăng. Điều này chứng tỏ, tại ngưỡng hỗ trợ nhu cầu mua tăng cao. Và có thể giá sẽ tiếp tục tăng trong các phiên giao dịch tiếp theo.
Nến Marubozu xác nhận vùng kháng cự
Ngược lại với nến Marubozu xác nhận vùng hỗ trợ; khi giá tăng chạm vào ngưỡng kháng cự và giảm mạnh ngay sau đó thì sẽ tạo thành một cây nến Marubozu giảm. Điều này chứng tỏ, tại ngưỡng kháng cự nhu cầu bán tăng cao. Và có thể trong các phiên giao dịch tiếp theo bên bán sẽ chiếm ưu thế.
Cách giao dịch với mô hình nến Marubozu là gì?
Để có thể giao dịch nếu có sự xuất hiện của nến Marubozu bạn cần nắm được các hình thái; và diễn biến thị trường có thể xảy ra sau sự xuất hiện của nến này. Một số cách giao dịch với nến Marubozu hiệu quả như sau:
Nến Marubozu hình thành mức hỗ trợ/ kháng cự
Nến Marubozu cho biết mức giá cao, thấp trong thời điểm đóng và mở cửa phiên giao dịch. Như vậy, nến Marubozu sẽ đóng vai trò là đường kháng cự và hỗ trợ.
Ngưỡng kháng cự được hình thành tại mức giá cao nhất của Bearish Marubozu.
- Ngưỡng hỗ trợ được hình thành tại mức giá thấp nhất của Bullish Marubozu.
- Khi nến Marubozu tăng, thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng đi lên. Lúc đó giá mở cửa sẽ hình thành nên ngưỡng hỗ trợ.
- Ngược lại nếu Marubozu giảm, thị trường sẽ đi xuống. Và giá mở cửa tạo thành ngưỡng kháng cự.
Mô hình nến Marubozu tiếp diễn
Bên cạnh đó, nến Marubozu đóng vai trò xác định xu hướng tiếp diễn của thị trường. Điều này có nghĩa là chỉ cần nhà đầu tư có thể xác định xu hướng thị trường là đã có thể giao dịch. Các bước cần thực hiện như sau:
- Bước 1: Xác định xu hướng thị trường.
Các công cụ dùng để xác định xu hướng thị trường hiệu quả mà nhà đầu tư có thể sử dụng là trendline, kênh giá, đường MA,…
- Bước 2: Đặt lệnh khi xuất hiện ngưỡng hỗ trợ/ kháng cự mới
Khi nến Marubozu xuất hiện trader có thể đợi phiên giao dịch kết thúc và tiến hành đặt lệnh. Hoặc đặt lệnh khi giá retest, nến Marubozu hình thành mức hỗ trợ/ kháng cự mới.
– Nếu Bullish Marubozu đang trong giai đoạn tăng giá; trader có thể đặt lệnh Buy. Điểm vào lệnh là khi giá phá vỡ mức cao nhất của nến Marubozu sau đợt retest.
– Nếu Bearish Marubozu đang trong giai đoạn giảm giá nhà đầu tư nên đặt lệnh Sell. Thời điểm vào lệnh là khi giá phá vỡ mức thấp nhất của nến Marubozu sau khi retest.
Tham khảo: CÁC DẠNG NẾN CHỨNG KHOÁN
Giao dịch Break out với nến Marubozu
Nến Marubozu cũng là công cụ hỗ trợ trader xác định xu hướng đảo chiều của thị trường ở cuối giai đoạn tích lũy hoặc hỗ trợ. Như vậy khi phá vỡ các vùng giá quan trọng, giá sẽ đi theo một hướng mới được xác định rõ ràng. Cách thức thực hiện giao dịch Break out với nến Marubozu như sau:
Bước 1: Xác định vùng giá hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh
Nhà đầu tư có thể sử dụng đường xu hướng trendline để xác định các ngưỡng giá này. Thường thì nếu giá đang trong giai đoạn tích lũy hoặc phân phối giá sẽ sideway, hoặc tăng, giảm ít.
- Bước 2: Đặt lệnh khi xuất hiện tín hiệu
– Khi Bullish Marubozu phá vỡ ngưỡng kháng cự nhà đầu tư có thể tiến hành đặt lệnh Buy tại mức giá đóng cửa.
– Khi Bearish Marubozu phá vỡ ngưỡng hỗ trợ nhà đầu tư có thể tiến hành đặt lệnh Sell tại mức giá đóng cửa.
Nhưng để an toàn hơn, các trader có thể đợi giá retest để phá vỡ kháng cự. Hoặc hỗ trợ giá lần nữa rồi tiến hành đặt lệnh.
Trên đây là toàn bộ thông tin về mô hình nến Marubozu là gì; các mô hình nến Marubozu thường gặp và cách thức giao dịch với mô hình nến này. Để giao dịch an toàn và hiệu quả, nhà đầu tư cần kết hợp thêm các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác nữa nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn giao dịch thành công!
Bài viết tham khảo: