Hỗ trợ và kháng cự là 1 trong những kiến thức cơ bản nhất mà bất cứ nhà giao dịch nào cũng cần phải biết khi tham gia giao dịch trên thị trường. Nhận diện được các mức hỗ trợ và kháng cự trên một biểu đồ là một kỹ thuật giúp ích rất nhiều cho giao dịch. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vùng hỗ trợ và kháng cự là gì? Đồng thời, làm thế nào để xác định vùng hỗ trợ và kháng cự một cách dễ dàng nhất nhé!
Vùng hỗ trợ và kháng cự là gì?
Hỗ trợ và kháng cự là một trong những phân tích kỹ thuật được nhiều trader sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường tài chính bởi tính đơn giản, dễ dàng.
Hiểu một cách đơn giản, vùng hỗ trợ mô tả một mức giá mà tại đó xu hướng giảm của một loại tài sản tạm dừng; vì nhu cầu mua vào đối với một loại tài sản đó tăng lên. Còn vùng kháng cự đề cập đến một mức giá mà khi chạm đến đó, xu hướng tăng của một loại tài sản đó có thể bị đảo chiều, báo hiệu một đợt bán tháo xảy ra.
Tham khảo: NGƯỠNG KHÁNG CỰ LÀ GÌ?
Việc xác định đường hỗ trợ và kháng cự cũng như sử dụng nó để phân tích biểu đồ nhằm xác định ba điểm mà các trader thường quan tâm như:
- Xu hướng của thị trường.
- Thời điểm nên vào lệnh.
- Điểm thoát lệnh (thống kê lời lỗ).
Vùng hỗ trợ là gì?
Vùng hỗ trợ là vùng giá mà các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn. Tại vùng này áp lực mua chiếm ưu thế so với áp lực bán, nguồn cầu (người mua) sẽ đông hơn nguồn cung (người bán). Đa số các nhà đầu tư sẽ đặt lệnh mua khi giá đi vào vùng hỗ trợ.
Vùng kháng cự là gì?
Vùng kháng cự là vùng giá mà các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ giảm thấp hơn. Tại vùng này áp lực bán chiếm ưu thế so với áp lực mua, nguồn cung (người bán) sẽ đông hơn nguồn cầu (người mua). Đa số các nhà đầu tư sẽ bán khi giá đi vào vùng kháng cự.
Các loại kháng cự hỗ trợ
Dựa theo cách thức hoạt động, sự hình thành của xu hướng, các nhà đầu tư chia hỗ trợ và kháng cự thành 7 loại khác nhau gồm:
- Theo xu hướng: Được hình thành khi nối 2 đỉnh và 2 đáy gần nhất với nhau.
- Theo đường trung bình động: Về bản chất đường trung bình động MA cũng có thể sử dụng để xác định xu hướng. Cho nên, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng để xác định hỗ trợ, kháng cự.
- Theo mức phục hồi Fibonacci: Dựa vào các con số % của dãy Fibonacci là 23.6%, 38.2%, 50%, 61.8% và 100% thì sẽ có mức hỗ trợ, kháng cự tương ứng.
- Theo vùng giao dịch (trading range): Gía sẽ hình thành đỉnh sau bằng đỉnh trước, đáy sau bằng đáy trước. Bạn có thể kẻ 2 đường thẳng song song thành đường hỗ trợ, kháng cự.
- Theo khoảng trống (GAP): Sau khi giá thay đổi thì sẽ phục hồi đến giữa khoảng trống rồi lao theo xu hướng. Dựa vào đó, bạn cũng tìm ra được mức hỗ trợ và kháng cự.
- Tại các mức giá tròn: Là những mức giá được làm tròn như 1.2000 hoặc 1.3000 hoặc 1.1500….
- Theo khung thời gian lớn nhỏ kết hợp: Ở khung thời gian ngắn hơn bạn có thể nhìn thấy các mức hỗ trợ và kháng cự của khung thời gian cao hơn. Đồng thời cũng nhìn thấy các mức ở khung nhỏ hơn.
Xem thêm: GAP TRONG CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ?
Cách xác định vùng hỗ trợ và kháng cự
Hỗ trợ kháng cự là vùng giá
Hỗ trợ và kháng cự là một vùng giá chứ không phải là một mức giá cụ thể. Cho nên, rất nhiều trader xác định sai ngưỡng hỗ trợ kháng cự; từ đó có những quyết định giao dịch sai.
Khi xác định ngưỡng hỗ trợ và kháng cự để cho đơn giản thì bạn hãy lấy vùng giá của bóng nến làm vùng hỗ trợ kháng cự. Nếu vùng đỉnh đáy có nhiều nến, có thể lấy khoảng giá giữa giá cao nhất/thấp nhất và giá đóng/mở cửa gần nhất.
- Tại đỉnh, vùng kháng cự sẽ là khoảng giá giữa giá cao nhất và giá đóng/mở cửa.
- Tại đáy, vùng hỗ trợ là khoảng giá giữa giá thấp nhất và giá đóng/mở cửa.
Sử dụng biểu đồ đường để vẽ hỗ trợ kháng cự
Nếu việc xác định ngưỡng hỗ trợ kháng cự theo vùng giá ở trên khó khăn với bạn; bạn có thể sử dụng 1 mẹo rất hay, đó là chuyển biểu đồ nến về biểu đồ đường (Line chart).
Biểu đồ đường là biểu đồ nối tất cả các điểm đóng cửa lại với nhau. Do nó chỉ có một đường nên bạn sẽ dễ nhìn hơn trong những giai đoạn thị trường bị quét nhiều lần.
Việc bạn xác định hỗ trợ và kháng cự của mình xung quanh các khu vực nơi bạn thấy các vùng đỉnh và đáy sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với biểu đồ nến.
Thông thường đối với các trader chuyên nghiệp thì các vùng hỗ trợ kháng cự được vẽ rất dễ dàng trên biểu đồ nến nên họ thường không cần chuyển qua biểu đồ đường. Thậm chí với nhiều người đôi khi không cần thể hiện chúng trên biểu đồ vì chỉ cần “nhìn là thấy”. Đó là với các trader kinh nghiệm, chuyên nghiệp.
Còn nếu bạn là người mới tham gia thị trường, thì bạn hãy luyện tập vẽ hỗ trợ kháng cự trên biểu đồ đường trước; sau đó luyện tập vẽ chúng trên biểu đồ nến nhé. Chỉ cần sử dụng nhiều lần là bạn sẽ quen và thành thạo thôi.
Đọc thêm: TA TRONG CHỨNG KHOÁN LÀ GÌ?
Điểm xoay (Pivot Points)
Nhiều trader sử dụng điểm xoay (Pivot Points) nhằm giúp xác định vùng hỗ trợ và kháng cự. Pivot là một công cụ rất hữu ích được tính toán dựa trên các mức giá thấp nhất, giá cao nhất, giá đóng cửa của phiên liền kề trước đó để tạo nên các mức kháng cự và hỗ trợ của phiên hiện tại.
Thông thường điểm xoay ngày (hay còn được gọi là Daily Pivot) được dùng nhằm tạo nên trạng thái lướt sóng ngắn hạn hay dài hạn tùy theo độ mạnh của các vùng hỗ trợ và kháng cự mà nhờ phương pháp Pivot Point tìm ra.
Các điểm xoay của các khung thời gian càng lớn thì sẽ càng cung cấp cho nhà giao dịch các vùng hỗ trợ và kháng cự chính cho các trạng thái lệnh mang khuynh hướng dài hạn.
Tìm hiểu thêm: ĐIỂM PIVOT TRONG CHỨNG KHOÁN
Một số lưu ý về hỗ trợ và kháng cự
- Hỗ trợ và kháng cự là các vùng ngưỡng nằm trên biểu đồ. Chúng đánh dấu các mức tâm lý giao dịch, và được sử dụng để thiết lập các điểm vào và ra trên biểu đồ.
- Hỗ trợ là một mức dưới mức giá hiện tại. Mức kháng cự là một mức cao hơn mức giá hiện tại. Bất kỳ đáy nào cũng có thể là hỗ trợ và bất kỳ đỉnh nào cũng có thể là kháng cự. Tuy nhiên, không phải vùng nào cũng tiềm năng; chúng chỉ thực sự hữu dụng khi được thử nghiệm đi thử nghiệm lại nhiều lần thì kết quả mới chính xác.
- Đừng cố gắng vẽ quá nhiều vùng kháng cự và hỗ trợ, hãy tập trung vào các vùng gần nhất và tiềm năng nhất.
- Các đường hỗ trợ hoặc kháng cự mà bạn vẽ không phải lúc nào cũng chạm vào mức cao hoặc thấp ‘chính xác’ của các cây nến Nhật. Bởi việc vẽ kháng cự và hỗ trợ không phải là bộ môn khoa học. Vậy nên, nên không cần phải quá chính xác; nó chủ yếu dựa vào kỹ năng của từng trader. Và để cải thiện điều này bạn cần tập trung luyện tập, và trau dồi kinh nghiệm thực chiến mà thôi.
- Với hình thức giao dịch theo xu hướng Price Action, thì việc xuất hiện các cây nến Pin Bar hay Fakey đặt tại đúng vùng kháng cự và hỗ trợ là 1 trong những chiến lược giao dịch phổ biến và được yêu thích nhất.
- Giao dịch hỗ trợ và kháng cự nên được kết hợp cùng với các công cụ giao dịch khác. Ví dụ như Chỉ báo Động lượng, mô hình nến đảo chiều để loại bỏ các tín hiệu nhiễu; và đồng thời cung cấp tín hiệu chính xác hơn để vào lệnh.
Lời kết vùng hỗ trợ và kháng cự
Trong giao dịch, việc hiểu và xác định được vùng hỗ trợ và kháng cự là rất quan trọng. Đa số các chiến lược hay hệ thống phân tích mà được sử dụng ở thời điểm hiện tại đều tích hợp vùng hỗ trợ và kháng cự trong đó.
Với bài viết về vùng hỗ trợ và kháng cự là gì và những kiến thức liên quan trên đây; hy vọng đã cung cấp thêm những kiến thức cần thiết cho các trader trong quá trình giao dịch của mình. Chúc các bạn thành công trên con đường trở thành một trader chuyên nghiệp nhé!
Bài viết tham khảo: