Ngày nay, thị trường chứng khoán ngày càng phát triển và thu hút đông đảo khách hàng. Chính vì thế mà nhiều công ty đã mở rộng quy mô tự doanh chứng khoán giúp cân bằng thị trường. Vậy tự doanh chứng khoán là gì? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây!
Tự doanh chứng khoán là gì?
Theo Khoản 30, Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019: “Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình”. Cũng có thể hiểu tự doanh là hoạt động mà công ty chứng khoán đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường.
Tự doanh chứng khoán là một nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán. Lúc này, các công ty tự tham gia giao dịch mua bán chứng khoán nhằm hưởng lợi nhuận từ lợi tức hay chênh lệch giá trên thị trường. Hay cũng có thể nói, tự doanh là việc mua đi bán lại chứng khoán để thu lời từ việc tăng, giảm giá (mua thấp, bán cao). Hoặc hưởng lợi nhuận định kỳ của một công ty chứng khoán.
Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán được thực hiện thông qua cơ chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc thị trường OTC.
Có thể bạn quan tâm: Thị trường chứng khoán là gì?
Phương thức thực hiện tự doanh chứng khoán
Tự doanh chứng khoán được thực hiện theo hai hình thức sau đây:
Giao dịch trực tiếp
Đây là cách giao dịch “trao tay” giữa công ty chứng khoán và đối tác dưới hình thức thỏa thuận trực tiếp. Có thể nói đây là hình thức giao dịch song phương. Ở đó, công ty chứng khoán và các đối tác đóng vai trò là người mua và người bán.
Trong giao dịch, cả hai bên thỏa thuận với nhau về giá cả, số lượng và hình thức trao đổi cổ phiếu. Sản phẩm chứng khoán được giao dịch rất đa dạng. Đặc biệt là chứng khoán không niêm yết và chứng khoán mới phát hành. Cũng có thể là giao dịch thương lượng về cổ phiếu niêm yết giữa công ty chứng khoán và bên thứ hai. Chẳng hạn như: mua cổ phiếu OTC, mua cổ phiếu IPO, mua đấu giá cổ phiếu, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu niêm yết.
Giao dịch gián tiếp
Đây là hình thức giao dịch thông qua Sở giao dịch chứng khoán để thực hiện trao đổi, mua bán. Có nghĩa là các công ty chứng khoán đặt các lệnh mua/bán chứng khoán trên Sở giao dịch. Khi đó, người mua và người bán không biết được đối tượng giao dịch là ai cả. Thông thường, khi giao dịch tự doanh gián tiếp, các công ty chứng khoán sẽ thanh toán đa phương.
Mục đích của tự doanh chứng khoán là gì?
Các công ty chứng khoán thực hiện tự doanh nhằm các mục đích dưới đây:
Tìm kiếm lợi nhuận từ đầu cơ chênh lệch giá cổ phiếu
Công ty chứng khoán thực hiện việc tự doanh nhằm đem lại các khoản lợi nhuận lớn từ chênh lệch giá và lợi tức chứng khoán. Chẳng hạn như lợi tức, cổ tức, trái tức, cổ phần quỹ đầu tư,… Tuy nhiên, khi thị trường “tụt dốc”, thị giá giảm thì các khoản lợi nhuận thu trên khó có thể bù lại được phần giá đã mất. Để thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán, các công ty phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chính vì có khả năng tiềm ẩn rủi ro, nên các công ty chứng khoán thường có chuyên gia giàu kinh nghiệm đảm nhận việc phân tích thị trường, hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp nhằm thực hiện hoạt động tư doanh hiệu quả hơn. Từ đó, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.
Kinh doanh góp vốn với doanh nghiệp
Các công ty chứng khoán thông qua việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hay kèm quyền chuyển đổi tại các Công ty Cổ phần để trở thành cổ đông. Từ đó, các công ty được quyền nắm rõ hạn mức khi đầu tư hùn vốn với Công ty cổ phần trong dài hạn hay ngắn hạn theo quy định. Tuy nhiên, công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định về pháp lý đối với cổ đông lớn.
Can thiệp bảo vệ giá trên thị trường
Khi giá chứng khoán bị biến động gây bất lợi cho tình hình hoạt động chung của thị trường, các công ty có thể thực hiện tự doanh chứng khoán nhằm ổn định lại thị trường. Đây là hoạt động được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan quản lý can thiệp. Đồng thời để doanh nghiệp bảo vệ chính mình và khách hàng. Tuy nhiên, để làm được việc này, các công ty chứng khoán phải hợp lực với nhau để tự phát hành dưới hình thức “tổ chức bảo trợ thị giá”, nghĩa là lập một tập đoàn tài chính.
Dự trữ để đảm bảo khả năng cung ứng
Các công ty chứng khoán sẽ có trách nhiệm trong việc đảm bảo tính thanh khoản của thị trường. Chính vì vậy, họ phải tính toán để xác định khối lượng các chứng khoán cần mua để dự trữ. Điều này nhằm đảm bảo khả năng cung ứng trong những trường hợp cần thiết. Ngoài ra còn đảm bảo khả năng sinh lời phù hợp.
Yêu cầu đối với hoạt động tự doanh chứng khoán là gì?
Khi triển khai hoạt động tự doanh, các công ty chứng khoán cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Tách biệt trong quản lý
Khi một công ty thực hiện đồng thời hai hoạt động môi giới chứng khoán và tự doanh chứng khoán có thể dễ xảy ra xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty. Chính vì thể, nhằm đảm bảo minh bạch và rõ ràng, các doanh nghiệp phải tách biệt 2 nghiệp vụ này theo quy định. Sự tách biệt này bao gồm con người, quy trình nghiệp vụ, vốn và tài sản của công ty và khách hàng.
Ưu tiên khách hàng
Do tính đặc thù nên các công ty chứng khoán có khả năng tiếp cận thông tin và chủ động trên thị trường nên họ có thể dự đoán được diễn biến. Để đảm bảo công bằng cho khách hàng, theo nguyên tắc các công ty phải ưu tiên thực hiện các lệnh giao dịch của khách hàng trước lệnh của mình.
Bình ổn giá cả thị trường
Hoạt động tự doanh nhằm góp phần làm bình ổn lại giá cả trên thị trường chứng khoán. Đây là yêu cầu được tiến hành bắt buộc theo quy định của luật. Theo đó, các công ty thực hiện tự doanh có nghĩa vụ phải bán ra khi giá chứng khoán tăng. Đồng thời mua vào khi giá giảm nhằm ổn định giá trên thị trường.
Hoạt động tạo lập thị trường
Hiện nay, các công ty tự doanh có thể mua một số lượng cổ phiếu nhất định để làm kho cơ sở cho việc phát hành chứng quyền. Họ đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, có khả năng điều tiết giá cũng như giữ được sự ổn định đối với sản phẩm chứng quyền đó. Pháp luật Việt Nam hiện nay đã ban hành một số luật hướng dẫn dành cho công ty chứng khoán có phát hành chứng quyền. Điều này giúp các công ty hoạt động đúng đắn và hiệu quả hơn.
Phân biệt giữa tự doanh chứng khoán và môi giới chứng khoán
Các công ty chứng khoán thường có hai hoạt động chính đó là tự doanh và môi giới. Dưới đây là bảng phân biệt giữa hai hoạt động này:
Hình thức hoạt động | Tự doanh chứng khoán | Môi giới chứng khoán |
Định nghĩa | Là việc một công ty chứng khoán thực hiện tự mua, bán chứng khoán cho chính mình. | Là việc làm trung gian để thực hiện mua, bán các loại chứng khoán cho khách hàng. |
Nhiệm vụ | Công ty tự kinh doanh bằng chính nguồn vốn của mình. | Các công ty hưởng hoa hồng từ các loại phí khi làm trung gian thực hiện lệnh. |
Vốn | 100 tỷ đồng | 25 tỷ đồng |
Hoạt động tự doanh chứng khoán tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hoạt động tự doanh chứng khoán diễn ra khá sôi nổi. Theo thông tin trên Tạp chí điện tử VnEconomy, vào quý 4 năm 2020, lợi nhuận thu được từ việc tự doanh khá cao và đóng góp một phần lớn vào tổng lợi nhuận các hoạt động của công ty chứng khoán trong cả năm 2020.
Trong quý 04/2020, bên cạnh một số công ty có lợi nhuận tăng thì vẫn còn một vài công ty có sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư như MBS. AGR, TCBS,…Đối với những công ty hoạt động mạnh mẽ trong mảng tự doanh trái phiếu thì quý 04/2020 là khoảng thời gian không thuận lợi. Nguyên nhân do Nghị định 81/2020/NĐ-CP vào tháng 09/2020 đã siết chặt thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2021, các công ty chứng khoán tự doanh đã có dấu hiệu nhập cuộc trở lại bằng cách mua ròng. Theo thông tin trên Chuyên trang Đầu tư chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 18/03, chỉ số VN-Index tái lập đỉnh đạt hơn 1.200 điểm. Thị trường ghi nhận đạt giá trị mua ròng 208 tỷ đồng khối tự doanh, bao gồm mua ròng 239 tỷ đồng qua khớp lệnh. Trong đó, mua mạnh nhất vào các cổ phiếu ngân hàng, thực phẩm, đồ uống, còn bán ròng đối với nhóm ngành bất động sản.
Một số chuyên gia nhận định, từ khi thị trường chứng quyền và phái sinh xuất hiện thì tỷ trọng hoạt động đầu cơ chênh lệch giá và phòng hộ được nâng lên đáng kể trong khối tự doanh. Nhằm phòng hộ cho chứng quyền, phái sinh và hoạt động kinh doanh chênh lệch giá.
Như vậy, trên đây là bài viết về Tự doanh chứng khoán là gì? Hy vọng các công ty và doanh nghiệp có thêm kiến thức hữu ích về nghiệp vụ này. Chúc các bạn luôn thành công!
Bài viết tham khảo: