Vốn lưu động có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động và phát triển của một doanh nghiệp. Giúp duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy vốn lưu động là gì? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Vốn lưu động là gì?
Vốn lưu động (Working capital) là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có, phục vụ cho các hoạt động diễn ra hằng ngày của doanh nghiệp.
Ví dụ như: Tiền mua mới nguyên liệu, tiền trả lương cho nhân viên, thanh toán các khoản nợ ngân hàng đến hạn…
Một doanh nghiệp có lợi nhuận cao đến đâu, nhưng nếu không đáp ứng đủ vốn lưu động cũng sẽ khiến việc kinh doanh bị gián đoạn. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới phá sản.
Có thể bạn quan tâm: Vốn hóa thị trường là gì?
Cách tính nguồn vốn lưu động
Vốn lưu động là một tài sản ngắn hạn. Nó có ích trong việc đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực của một doanh nghiệp. Công thức tính vốn lưu động như sau:
Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn – Nợ phải trả ngắn hạn
Trong đó:
- Tài sản ngắn hạn: Là các tài sản mà có thể dễ dàng chuyển đổi ngay thành tiền mặt trong ngắn hạn, các tài sản có tính thanh khoản cao. Ví dụ như tiền gửi, trái phiếu thời hạn dưới 1 năm, vàng bạc, ngoại tệ, hàng hóa, các khoản bán chịu,…
- Nợ phải trả ngắn hạn: Là các khoản nợ có thời hạn dưới 1 năm. Bao gồm các khoản nợ ngân hàng và cả các khoản mua chịu.
Vai trò của vốn lưu động
Để sản xuất, ngoài trừ các tài sản cố định cần có như máy móc, thiết bị, nhà xưởng,… Các doanh nghiệp còn bỏ ra một lượng tiền để mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu… nhằm phục vụ sản xuất. Đó chính là nguồn vốn lưu động. Đây chính là yêu cầu đầu tiên để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.
Ngoài ra, vốn lưu động còn ảnh hưởng đến quy mô hoạt động. Trong kinh doanh, các tổ chức và doanh nghiệp tự chủ trong việc sử dụng vốn, nên khi muốn mở rộng quy mô, mở rộng hoạt động thì nhất thiết các doanh nghiệp phải huy động một lượng vốn đầu tư. Vốn lưu động sẽ giúp nắm bắt thời cơ và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, vốn lưu động còn tác động đến giá thành của sản phẩm.
Ý nghĩa của vốn lưu động
Vốn lưu động có ý nghĩa rất lớn đến việc duy trì và tồn tại của một doanh nghiệp. Căn cứ vào việc xác định vốn lưu động sẽ xác định được tình trạng của doanh nghiệp hiện tại.
Thông thường, một công ty sẽ xảy ra 2 tình trạng sau:
Vốn lưu động dương
Vốn lưu động dương chứng tỏ tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đang lớn hơn các khoản nợ ngắn hạn.
Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản ngắn hạn này thành tiền, thanh toán các khoản nợ tới hạn. Giúp các hoạt động sản xuất của công ty diễn ra bình thường.
Vốn lưu động âm
Ngược lại, vốn lưu động âm khi tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp thấp hơn nợ ngắn hạn.
Hay nói cách khác, dù có chuyển hóa hết tài sản ngắn hạn thành tiền nhưng vẫn không đủ đáp ứng các nghĩa vụ của công ty. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, cho dù doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận rất tốt…
Tuy nhiên, nếu không có khả năng thanh toán các khoản nợ (nghĩa vụ) trong ngắn hạn thì doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng phá sản.
Vốn lưu động bao nhiêu là tốt?
Để đo lường xem con số nào có lợi nhất cho một tổ chức, người ta thường dựa vào tỷ lệ vốn lưu động.
Tỷ lệ vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn/Nợ phải trả ngắn hạn
- Nếu Tỷ lệ vốn lưu động < 1
Lúc này tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn.
Doanh nghiệp có khả năng phá sản cao khi không đủ khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn.
- Nếu 1 < Tỷ lệ vốn lưu động < 2
Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lớn hơn nợ phải trả ngắn hạn.
Từ đó cho thấy sức khỏe tài chính của doanh nghiệp tương đối ổn định, doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
- Nếu Tỷ lệ vốn lưu động > 2
Hay tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lớn hơn 2 lần nợ phải trả.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải có lợi thế cạnh tranh nhất định, dòng tiền kinh doanh khỏe mạnh và rất ít nợ vay.
Tùy vào ngành nghề mà doanh nghiệp đó đang hoạt động, thông thường Working capital ratio lớn hơn 1.0 là có thể chấp nhận được.
Cách tính Thay đổi vốn lưu động
Thay đổi vốn lưu động là phần ứng dụng quan trọng nhất của vốn lưu động. Với việc chỉ đang được xếp vào hạng cận biên (Frontier market) như thị trường chứng khoán Việt Nam, thì tính minh bạch đang là chủ đề làm đau đầu cực kỳ nhiều nhà đầu tư. Các khoản phải thu khách hàng hoặc hàng tồn kho khó điểm định, rất dễ bị lợi dụng nhằm thực hiện mục đích xấu…
Có 2 cách tính Thay đổi vốn lưu động.
Cách 1: Cách tính phổ thông
Thay đổi vốn lưu động = Vốn lưu động năm nay – Vốn lưu động năm trước
Cách 2: Thay đổi vốn lưu động bỏ tiền và nợ vay (Change in non-cash working capital)
Thay đổi vốn lưu động (non-cash) = Vốn lưu động năm nay – Vốn lưu động năm trước
* Chú ý: Trong đó vốn lưu động sẽ loại bỏ khoản tiền, tương đương tiền, tài sản ngắn hạn khác, nợ vay ngắn hạn, nợ phải trả ngắn hạn khác.
Lúc này Thay đổi vốn lưu động sẽ chỉ còn 3 khoản mục:
Hàng tồn kho + phải thu ngắn hạn – phải trả nhà cung cấp ngắn hạn.
Thông thường, cách tính thứ 2 sẽ được ưa chuộng hơn. bởi Thay đổi vốn lưu động trong trường hợp này phản ánh đúng vòng quay tiền trong doanh nghiệp.
Xem thêm: Phân tích tài chính doanh nghiệp
Những yếu tố tác động đến Thay đổi vốn lưu động
Thông thường, sức mạnh của doanh nghiệp không nằm ở doanh thu, lợi nhuận mà nằm ở dòng tiền. Và trong phân tích đầu tư cũng vậy, bạn cần rất tỉnh táo để tìm ra vấn đề đằng sau những thay đổi trên các chỉ số tài chính. Nếu chú ý, dòng tiền của doanh nghiệp sẽ cho bạn khá nhiều thông tin thú vị…
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp lớn vượt trội về quy mô, công nghệ sản xuất sẽ có lợi thế lớn trong việc đàm phán hợp đồng. Từ đó, họ có khả năng chiếm dụng được vốn của cả người mua lẫn người bán hàng.
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách bán hàng.
Trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp sẽ cần tăng chiết khấu cho đại lý, thả lỏng chính sách bán hàng hơn nếu muốn thúc đẩy doanh số. Từ đó làm các khoản phải thu khách hàng, tồn kho tăng lên và tăng Thay đổi vốn lưu động năm đó.
Bạn phải cực kỳ tỉnh táo bởi tất cả các chỉ số tài chính của doanh nghiệp đều đẹp nhất khi chu kỳ kinh doanh đạt đỉnh… Tuy nhiên khoản đầu tư đem lại lợi nhuận lớn nhất lại là khi doanh nghiệp đang ở vùng đáy.
Điều quan trọng là bạn cần xác định được lợi thế cạnh tranh bền vững, giúp doanh nghiệp tồn tại qua thời kỳ khó khăn.
Tính minh bạch của doanh nghiệp
Bạn phải cực kỳ cẩn trọng nếu một doanh nghiệp có khoản Thay đổi vốn lưu động (non-cash) liên tục tăng trong nhiều năm liền ( có nghĩa là dòng tiền hoạt động âm).
Bởi bản chất trong quy trình kiểm toán là chọn mẫu. Sẽ rất khó để xác định toàn bộ các khoản phải thu khách hàng, hàng tồn này có chính xác hay không. Nhất là khi thông tin thuyết minh trên báo cáo tài chính còn rất hạn chế và không rõ ràng.
Ở đây không hẳn là doanh nghiệp đang gian lận. Việc Thay đổi vốn lưu động dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm là rất bình thường trong vòng đời hoạt động của công ty. Tuy nhiên, nếu bạn không thực sự hiểu rõ về doanh nghiệp, thì không nên tin rằng doanh nghiệp sẽ thu được tiền trong tương lai.
Như vậy, trên đây là bài viết về Vốn lưu động là gì? Hy vọng sẽ giúp các cá nhân và doanh nghiệp có thể hiểu hơn về vai trò của vốn lưu động để phục vụ tốt cho công việc của mình. Chúc các bạn thành công!
Bài viết tham khảo: