Thị trường chứng khoán đã và đang trở thành một lĩnh vực quan trọng và tiềm năng tại Việt Nam. Đây không chỉ là một kênh đầu tư kiếm lợi nhuận đầy hứa hẹn mà còn là cột mốc đánh dấu bước phát triển của đất nước ta. Dù là nhà đầu tư mới hay đã tham gia vào thị trường chứng khoán từ lâu thì việc nắm rõ những kiến thức cũng như cách đầu tư vào chứng khoán là điều hết sức cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất. Vậy Thị trường chứng khoán là gì? Vì sao cần phải có thị trường giao dịch chứng khoán? Hay nói cách khác, thị trường giao dịch chứng khoán có vai trò như thế nào trong đời sống hiện nay, chúng ta hãy cùng xem bài viết này để hiểu rõ hơn nhé.
1. Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi các loại cổ phiếu (TCBS, Vinamilk); hàng hóa (dầu, vàng) hay các chỉ số (dow jones, S&P 500)… và được thực hiện chủ yếu trực tiếp tại sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua các công ty môi giới chứng khoán.
Thị trường chứng khoán không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Nhà đầu tư sẽ tham gia mua hoặc bán sản phẩm của mình dựa vào nguồn thông tin là chính.
Như vậy, có thể nói bản chất của thị trường chứng khoán là thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán bao gồm thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư.
2. Phân loại thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán được chia thành 2 loại, đó là: Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
Thị trường sơ cấp là lần đầu tiên một công ty phát hành cổ phiếu để hút một nguồn vốn đầu tư, điều này giúp họ có thể huy động một số vốn trên thị trường chứng khoán. Những người mua cổ phiếu trên thị trường sơ cấp phần lớn là các tổ chức hay quỹ đầu tư có nguồn vốn lớn.
Với Thị trường chứng khoán thứ cấp, thì cổ phiếu sau khi phát hành sơ cấp sẽ được đem đi mua bán lại. Nghĩa là người mua tại thị trường sơ cấp sẽ tiến hành mua hoặc bán đối với các nhà đầu tư chứng khoán khác trên thị trường. Chính vì thế sẽ không có tiền mới được sinh ra mà chỉ là thay đổi quyền sở hữu cổ phiếu giữa người mua và bán. Đây cũng là nơi các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia giao dịch chứng khoán.
Ví dụ: Nếu đầu tư mua cổ phiếu TCBS(Techcombank) với giá 30.000đ/CP. Sau một thời gian, cổ phiếu đó tăng giá lên 50.000đ/CP. Vậy bạn có lợi nhuận là 20.000đ/CP. Tương tự như vậy nếu bạn mua nhiều cổ phiếu hơn. Ví dụ bạn mua 100 cổ phiếu, bạn sẽ có 2.000.000đ lợi nhuận.
3. Vai trò, chức năng của thị trường chứng khoán
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế đất nước.
3.1. Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
Nhờ có thị trường chứng khoán mà các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ đang sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản, đặc biệt khả năng chuyển đổi thành tiền mặt là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
3.2. Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
Khi các công ty phát hành chứng khoán và các nhà đầu tư tham gia mua bán tại đây, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, thị trường chứng khoán đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thông qua thị trường này, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được các nguồn vốn cho mục đích sử dụng và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.
3.3. Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
Thị trường chứng khoán cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú để kiếm lợi nhuận. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán góp phần đáng kể làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.
3.4. Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
3.5. Tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chỉ báo của thị trường chứng khoán phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Vì thế, thị trường chứng khoán được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua đây, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.
Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào thị trường chứng khoán nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.
Trên đây là bài viết của chúng tôi về Thị trường chứng khoán là gì? Thị trường chứng khoán có vai trò như thế nào đối với đất nước hiện nay. Thị trường chứng khoán là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, để kiếm lợi nhuận trong thị trường này, các bạn hãy cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi tham gia.
Bài viết tham khảo: Cách bắt đầu chơi chứng khoán