Chính sách tiền tệ là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giúp điều tiết nền kinh tế vĩ mô ổn định. Vậy Chính sách tiền tệ là gì? Mục tiêu của chính sách tiền tệ là gì?. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Chính sách tiền tệ là gì?
Chính sách tiền tệ (monetary policy) là quá trình quản lý cung tiền của cơ quan quản lý tiền tệ (có thể là Ngân hàng trung ương), thường là hướng tới một lãi suất mong muốn để đạt được những mục đích ổn định và tăng trưởng kinh tế như ổn định giá trị đồng tiền, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, tạo công ăn việc làm hay tăng trưởng kinh tế.
Tùy thuộc điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia mà chính sách tiền tệ có thể được chia làm: chính sách mở rộng và chính sách thu hẹp.
Xem chi tiết CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ là gì?
Tầm quan trọng của Chính sách tiền tệ
Trong hệ thống các công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước thì chính sách tiền tệ là một trong những chính sách quan trọng nhất. Nó có tác động trực tiếp vào lĩnh vực lưu thông tiền tệ. Đồng thời nó cũng có quan hệ chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như: chính sách tài khoá, chính sách thu nhập, chính sách kinh tế đối ngoại…
Việc hoạch định và thực thi chính sách chính sách tiền tệ là hoạt động cơ bản nhất đối với Ngân Hàng Trung Ương (NHTW), mọi hoạt động của NHTW đều nhằm mục đích là làm cho chính sách tiền tệ quốc gia được thực hiện có hiệu quả hơn.
Tìm hiểu: CHỨC NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Mục tiêu của chính sách tiền tệ
Các chính sách tiền tệ của một quốc gia thường tập trung vào các mục tiêu dưới đây:
Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu của tất cả các chính phủ trong việc hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô của mình. Khi nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, sẽ giúp nâng cao thu nhập của người lao động, đảm bảo các chính sách xã hội được thỏa mãn. Từ đó giúp ổn định về chính trị và xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngân hàng trung ương thường cung thêm một khối lượng tiền vào lưu thông. Khi khối tiền tăng lên, lãi suất tín dụng thường giảm xuống; điều này kích thích đầu tư, tăng tổng sản phẩm quốc nội. Ngoài ra, khi tăng khối lượng tiền sẽ làm tổng cầu tăng, kích thích gia tăng sản xuất. Ngược lại, khối lượng tiền giảm, đầu tư giảm, tổng sản phẩm quốc nội giảm.
Tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp
Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế; chính sách tiền tệ cũng hướng vào mục tiêu tạo công ăn việc làm đầy đủ cho người dân, nhất là đối với các quốc gia chưa phát triển. Đảm bảo công ăn việc làm đầy đủ không có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp bằng 0, mà ở mức tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên. Chính sách tiền tệ có mục đích tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Thông qua các tác động để mở rộng đầu tư, mở rộng hoạt động kinh tế
Muốn đạt được mục tiêu về công ăn việc làm thì phải chống suy thoái, đạt được mức tăng trưởng ổn định.
Nếu chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương nhằm mở rộng cung ứng tiền tệ thì sẽ tạo điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất; các doanh nghiệp và nền kinh tế cần nhiều lao động hơn, công ăn việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Ngược lại, cung ứng tiền tệ giảm xuống sẽ thu hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp và nhà nước cần ít lao động hơn, công ăn việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Để có một tỷ lệ thất nghiệp giảm thì phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát gia tăng.
Tham khảo: VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
Kiểm soát lạm phát và ổn định giá cả
Ngân hàng trung ương coi việc kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền là mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ. Kiểm soát lạm phát nhằm ổn định giá cả hàng hóa; dịch vụ là tiền đề cho việc phát triển kinh tế lâu dài, đảm bảo ổn định đời sống người lao động.
Thông qua chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương có thể tác động quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát. Với chính sách tiền tệ mở rộng, lượng cung tiền trong nền kinh tế sẽ tăng. Từ đó giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên dẫn đến tình trạng lạm phát.
Ngược lại, với chính sách tiền tệ thắt chặt, lượng cung tiền trong nền kinh tế sẽ hạn chế. Từ đó giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm xuống và tỷ lệ lạm phát sẽ giảm.
Giá trị đồng tiền ổn định được xem xét trên 2 mặt: Sức mua đối nội của đồng tiền (chỉ số giá cả hàng hoá và dịch vụ trong nước); và sức mua đối ngoại (tỷ giá của đồng tiền nước mình so với ngoại tệ). Giá trị đối nội và đối ngoại của đồng tiền có quan hệ mật thiết với nhau.
Muốn ổn định tiền tệ và phát triển kinh tế – xã hội thì nhà nước phải có biện pháp ổn định giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước; cũng như ổn định tỷ giá hối đoái.
Tuy vậy, Chính sách tiền tệ hướng tới ổn định giá trị đồng tiền không phải là tỷ lệ lạm phát = 0. Như vậy nền kinh tế không thể phát triển được. Trong điều kiện nền kinh tế trì trệ thì kiểm soát lạm phát ở một tỷ lệ hợp lý (thường ở mức một con số) sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại.
Tham khảo thêm các kiến thức của chính sách tiền tệ:
Mối quan hệ giữa các mục tiêu của chính sách tiền tệ
Các mục tiêu của chính sách tiền tệ không phải lúc nào cũng nhất trí và hỗ trợ cho nhau.
Vẫn có một số trường hợp những mục tiêu này mâu thuẫn với nhau, từ đó khiến cho việc theo đuổi mục tiêu này đòi hỏi phải có những từ bỏ nhất định về mục tiêu kia. Ví dụ mối quan hệ giữa mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp với mục tiêu ổn định giá cả là một dẫn chứng.
Thứ nhất, để giảm tỷ lệ lạm phát, cần phải thực hiện một chính sách tiền tệ thắt chặt. Khi đó dưới tác động của chính sách này, lãi suất thị trường tăng lên làm giảm các nhân tố cấu thành tổng cầu. Cho nên lúc này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Thất nghiệp vì thế có xu hướng tăng lên.
Ngược lại, việc duy trì một tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn thường kéo theo một chính sách tiền tệ mở rộng và sự tăng giá.
Thứ hai, mục tiêu tạo công ăn việc làm (hay giảm tỷ lệ thất nghiệp) mâu thuẫn với mục tiêu ổn định giá cả. Nó còn được thể hiện thông qua sự phản ứng của NHTW đối với các cú sốc cung nhằm đảm bảo mức cầu tiền thực tế, cung ứng tiền tăng đưa đến kết quả là giá cả tăng lên.
Cuối cùng, mâu thuẫn này còn được thể hiện thông qua định hướng điều chỉnh tỷ giá. Bằng việc hạ giá đồng nội tệ; các ngành kinh doanh hướng về xuất khẩu có khả năng mở rộng. Tỷ lệ thất nghiệp vì thế giảm thấp nhưng lại kèm theo sự tăng lên của mức giá chung.
Phần lớn NHTW các nước coi ổn định giá cả là mục tiêu chủ yếu và dài hạn của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trong ngắn hạn đôi khi họ phải tạm thời từ bỏ mục tiêu chủ yếu này để khắc phục tình trạng thất nghiệp cao đột ngột, hay các ảnh hưởng của các cú sốc cung đối với sản lượng. NHTW được xem là có nhiều khả năng để làm việc này vì nó nắm trong tay các công cụ điều chỉnh lượng tiền cung ứng. Có thể nói ngân hàng trung ương theo đuổi một mục tiêu về dài hạn và nhiều mục tiêu trong ngắn hạn.
Trên đây, mình đã giới thiệu đến bạn về Chính sách tiền tệ là gì? Mục tiêu của chính sách tiền tệ. Hy vọng đã mang lại cho bạn thông tin hữu ích. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!
Bài viết tham khảo: